I. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ TRẤN PHONG CHÂU
Thị trấn Phong Châu được thành lập theo Quyết định số 377/CP ngày 22/12/1980 của Hội đồng Chính phủ. Đến ngày 01/5/1989 tại Quyết định số 05 của Hội đồng Bộ trưởng xã Phù Lỗ được hợp nhất thị trấn Phong Châu thành thị trấn Phong Châu ngày nay (Lịch sử Đảng bộ thị trấn Phong Châu). Là thị trấn miền núi và là trung tâm kinh tế – văn hóa xã hội của huyện Phù với tổng diện tích là 9,22km2; dân số thường trú là 19.050 người, mật độ dân số đạt 2.066 người/km2 được phân bổ ở 22 khu dân cư (gồm 10 khu nông nghiệp và 12 khu phi nông nghiệp). Đảng bộ thị trấn có 30 chi bộ trực thuộc (22 chi bộ khu dân cư; 05 chi bộ trường học, 01 chi bộ doanh nghiệp; 01 chi bộ quân sự; 01 chi bộ công an) với gần 1.500 đảng viên.

Khi mới sáp nhập cơ sở hạ tầng cũng như các điều kiện phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội nghèo nàn, khó khăn, đời sống nhân dân thu nhập không ổn định, tỷ lệ hộ nghèo cao; các công trình đường, trường, trạm đều xuống cấp … những đặc điểm trên đã tác động không nhỏ đến công tác lãnh đạo cũng như tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, củng cố an ninh – quốc phòng của thị trấn. Những năm gần đây, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn xác định tầm quan trọng của việc xây dựng thị trấn từng bước trở thành đô thị văn minh do vậy diện mạo của thị trấn Phong Châu có nhiều thay đổi tích cực. Với lợi thế là một thị trấn trung tâm của huyện, năng động phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và trực tiếp là của Đảng bộ huyện Phù Ninh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Phong Châu đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh vực như: Trụ sở Đảng uỷ – HĐND- UBND, trường Mầm non, trường THCS, đường bê tông giao thông nông thôn cùng hệ thống điện đường, trường, trạm…; đặc biệt hệ thống giáo dục trên địa bàn và Trạm y tế đều đạt chuẩn Quốc gia, các phong trào văn hóa, văn nghệ, TDTT phát triển mạnh mẽ. Những yếu tố trên đã và đang góp phần tạo nên dáng dấp của một đô thị mới.

Trên địa bàn thị trấn có nhiều di tích lịch sử văn hoá – lễ hội gắn liền với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, như: Đền Mẫu Âu Cơ, Đền Quốc tổ Lạc Long Quân; Đình Làng Vỹ, Đình Xuân Hưng; lễ cầu đình và tạ đình, Lễ Mẫu Âu cơ giáng trần, Lễ nghinh sính giữa Lạc Long Quân với bà Âu Cơ, đại tiệc lễ tế cầu đình…

II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
Thị trấn Phong Châu chịu ảnh hưởng của chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Đặc điểm chính về khí hậu thời tiết của thị trấn như sau:
– Nhiệt độ bình quân cả năm 23 độ C, trong đó nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 29 độ C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 14 độ C. Nền nhiệt độ được phân hoá theo mùa khá rõ rệt, trong năm có 4 tháng nhiệt độ trung bình nhỏ hơn 20 độ C (tháng 12 đến tháng 3 năm sau)… Đây là yếu tố thích hợp cho việc bố trí cơ cấu cây trồng ngắn ngày tương đối đa dạng, đặc biệt đối với một số rau màu thực phẩm ưa nền nhiệt thấp và các loại cây ăn quả nhiệt đới.
– Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 cho đến tháng 10, lượng mưa chiếm khoảng 85% tổng lượng mưa cả năm, đặc biệt tập trung vào các tháng 7, 8, 9 nên thường gây úng ngập cục bộ ở các vùng thấp trũng. Các tháng 11 đến tháng 4 lượng mưa ít, chiếm 15% lượng mưa cả năm.
– Độ ẩm không khí bình quân cả năm khoảng 85%, tuy nhiên trong mùa khô, độ ẩm trung bình giảm khá mạnh chỉ còn khoảng 75%.
– Gió: Hướng gió chủ đạo mùa hè là hướng Đông và hướng Đông Nam, mùa đông là hướng Đông Bắc.
– Lốc xoáy có 2 – 3 cơn trong một năm và thường đi kèm các cơn mưa lớn từ 200 – 300 mm gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống của nhân dân.